Nhom Chin Bon - Hong Duc - Da Nang
                  THEO CHÂN CÁC NHÀ KHẢO CỔ
                                                                  Trần Đức Thái
Chin Bon
Chin Bon
Đoàn khảo cổ
       Tờ mờ sáng hôm đó, chúng tôi đã có mặt tại làng Long Hồ, ở bắc sông Hương. Leo lên những ngọn đồi, rừng cây, nơi đây xưa kia có lẽ là rừng thiêng, nước độc, những ngôi mộ cổ đã hiện ra trước mắt tôi. Mặc dầu đã nhờ người chạp mộ trước đó, nhưng cây cối, cỏ dại vẫn còn nhiều lắm. Nhóm khảo cổ phần lớn còn trẻ, rất nhiệt tình, kẻ đo, người vẽ, kẻ làm vệ sinh các hoa văn, đọc các tấm bia chữ Hán, người quây phim, chụp ảnh, thậm chí phải leo lên cây cao để chụp toàn cảnh khu lăng mộ. Mọi người nói nói, cười cười, ghi ghi, chép chép, vui vẻ, hăng say lắm. Tôi là người ngoại đạo mới đi học nghề, như thiên lôi chỉ đâu đánh đó. Người bảo đến xem hoa văn này đẹp, kẻ kia bảo đến xem tấm bia bằng đá có khắc niên đại vào thời các Chúa Nguyễn. Tôi tha hồ chụp ảnh, quây phim, ai diễn giải gì tôi cũng gật, gật cái đầu, suy tư ra vẻ cũng hiểu biết.
Hoa văn trên các lăng mộ cổ
Lăng mộ cổ ở Long Hồ
       Mặt trời đã lên cao quá đỉnh đầu, mùa đã sang thu nhưng trời vẫn nắng, nóng như mùa hè. Mặc dầu nắng nóng như thế, mồ hôi ướt đẫm cả người, nhưng chỉ trong một buổi sáng chúng tôi đã khảo sát xong ba ngôi mộ cổ của các quan lại thời Chúa Nguyễn. Sau đó, chúng tôi xuôi về nam ăn trưa tại quán cơm bình dân ở Nam Giao, để còn thời gian nghiên cứu lăng mộ vùng nam sông Hương.

       Buổi chiều, trời trở gió heo may, có mưa giông nhè nhẹ, những tia nắng yếu ớt, nắng nóng đã giảm đi nhiều, rất thuận lợi cho chúng tôi,. Đoàn đi đến lăng Ba Vành, tọa lạc trong rừng thông hoang vu phía sau đồi Thiên An, thuộc xã Thủy Bằng (nay là phường Thủy Bằng, TP. Huế), có lẽ xưa kia nơi đây cũng là rừng sâu. Muốn đến Lăng Ba Vành, chúng tôi vào ngã công viên Thủy Tiên, sau đồi Thiên An, vòng quanh hồ Thủy Tiên, đã khô cạn nước, không còn thơ mộng như xưa, để mà nhớ về một thời sinh viên cũng dung dăng, dung dẻ nơi này. Chúng tôi đi theo một lối mòn hẹp, len lỏi vào trong rừng thông mới tiếp cận đến Lăng Ba Vành. Ôi điêu tàn quá!

       Mặc dầu đã nhờ dân ở đây làm sạch cỏ từ trước, nhưng họ cũng không thể giải quyết đến vành thứ ba. Lăng Ba Vành đã được nhiều nhóm nghiên cứu để xác định xem có phải là của Vua Quang Trung hay không? Cuộc tranh luận nảy lửa trên báo chí của nhiều nhà nghiên cứu ở Huế đến nay vẫn chưa ngã ngũ vì nhiều lý do trong đó có vấn đề tấm bia đá khá lớn chỉ còn lờ mờ các chữ Hán do bị đục xóa. Lúc chúng tôi đến thì đã thấy tấm bia của lăng Ba Vành bị sập, nằm ngã nghiêng giữa nền đất tự bao giờ. Bia đá dù có nặng cả ngàn cân, nhưng chúng tôi quyết tâm dựng bia lên để khảo sát may ra tìm được một tia sáng dù rất mong manh.
Lăng Ba Vành
       Sau khi khảo sát xong Lăng Ba Vành, đoàn tiếp tục về lăng Chiêu Nghi Phu Nhân (1716-1750) là vợ của chúa Nguyễn Phúc Khoát, tọa lạc gần chùa Từ Hiếu, thuộc địa phận phường Thủy Xuân, TP. Huế, hình như đây là lăng duy nhất của thời Chúa Nguyễn không bị tàn phá, có tấm bia bằng đá rất to, sừng sững uy nghi giữa trời cao, đất dày. Tấm bia là một tảng đá lớn được chạm trổ các hoa văn rất nghệ thuật và chạm khắc chân phương chi chít chữ Hán. Đó là một áng văn hay ghi lại cuộc đời, phẩm hạnh và bày tỏ niềm tiếc thương của chúa Nguyễn dành cho bà vì bà đã từ giã cõi đời khi còn ở độ tuổi thanh xuân. Mặc dầu lăng phu nhân thuộc trong dòng tộc Nhà Nguyễn, nhưng vẫn bị hoang phế, cỏ lang lối mọc, khoai sắn được trồng trọt trong khuôn viên lăng, rất là khó chấp nhận.
Lăng Chiêu Nghi Phu Nhân
       Ngày hôm sau, đoàn khảo cổ lại tiếp tục về làng Nam Dương, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền để nghiên cứu các ngôi mộ cổ thời Chúa Nguyễn. Đây là một miền quê xa đất Phú Xuân. Dẫn vào làng là con đường bê tông hẹp, len lỏi giữa hai hàng tre non. Đường đi khúc khuỷu, gập ghềnh, hai bên là đồng ruộng sâu, làm cho tay lái lụa già như tôi cũng phải dè chừng.

       Tôi tự nhủ, không hiểu tại sao vào thời Chúa Nguyễn lại có những ngôi mộ của quan lại được chôn cất ở những vùng nông thôn hẻo lánh như thế này? Mà cũng chính nhờ xây cất tại các vùng quê xa xôi ấy nên các ngôi mộ mới còn tồn tại đến hôm nay chăng?

       Trong nhóm lăng mộ được khảo sát ở đây, tôi gặp hai ngôi mộ cổ của quan Thái y và phu nhân. Lăng xây đơn sơ không thành, không quách, bia đá khắc chữ tinh xảo có tính nghệ thuật và tay nghề cao. Nhưng kém may thay, ngày nay những ngôi mộ cổ này bị che phủ, núp bóng trong những lùm cây giữa đồng không mông quạnh. Như đồng cảm với tiền nhân, tôi là hậu duệ ngành y về thăm ngài đây. Chúng tôi được biết, các lăng mộ của quan Thái y cũng được con cháu họ Phan ở đây phụng dưỡng, tuy nhiên nhiều năm không chạp mộ, nên cây cối um tùm bao quanh che kín các ngôi mộ cổ. Chúng tôi phải chặt cây mở đường mới đi vào được trong lăng.
Hai lăng mộ quan Thái y và phu nhân ẩn núp trong lùm cây
Hai bia  mộ quan Thái y và phu nhân
(Nguyễn Phúc Vĩnh Ba diễn dịch Hán-Viêt)

       Mộ quan Thái Y thời Chúa Nguyễn, dù có phải là y tổ của xứ đằng trong hay không? thì ngành y tế của tỉnh nhà cũng phải quan tâm bảo tồn một di tích lịch sử ở đất Thuận Hóa của ngành y tế chúng ta.

       Hôm đó tôi được vinh dự đại diện cho nhóm khảo cổ để dâng hương trước lăng mộ quan Thái y, ngài đã về với lòng đất mẹ trước đây mấy trăm năm, ngài và tôi không cùng một thế hệ, nhưng ngài và chúng tôi đều là con Hồng cháu Lạc, cùng chung một nghề nghiệp được xã hội gắn cho hai chữ Thầy Thuốc, một cái nghề đã được tôn vinh từ thời Hypocrate cho đến hôm nay và mãi mãi về sau. Lúc này đây, một nén hương lòng chúng tôi xin kính dâng lên ngài, cầu mong ngài được bình yên nơi cõi vĩnh hằng, và cũng ước vọng ngài phù hộ cho chúng tôi, những thế hệ thầy thuốc hôm nay và mai sau phải luôn luôn xem nghề THẦY THUỐC mà chúng tôi tự chọn như một con đường cứu người, giúp đời chứ không xem như một phương tiện thương mại.

       Sau hai ngày thực địa theo chân các nhà khảo cổ về lăng mộ thời Chúa Nguyễn, nhóm khảo cổ đã thu lượm nhiều kết quả tốt đẹp cho công cuộc nghiên cứu. Riêng tôi vẫn canh cánh trong lòng nhiều băn khoăn. Những ngôi mộ cổ thời Chúa Nguyễn đã được xây dựng trước năm 1778, kể từ khi Nguyễn Hoàng vào lập nghiệp tại đất Thuận Hóa cho đến nhà Tây Sơn, tính đến nay tối thiểu đã trên 200 năm. Thời đó khoa học kỹ thuật chưa phát triển, thế nhưng, lối kiến trúc, chạm trổ các hoa văn, chạm khắc các bia đá đã cho thấy trình độ tinh xảo, bền vững, mang tính nghệ thuật cao… Thế mà tại sao chúng ta lại để những ngôi mộ có một giá trị lịch sử trở nên hoang tàn, đổ nát như vậy. Không ai chăm sóc, chạp giỗ, hương khói, không cơ quan nào quan tâm đến việc trùng tu, tôn tạo thì những lăng mộ cổ này sẽ bị tàn phá bởi mưa bão, bởi thời gian… Than ôi! Những giá trị lịch sử như vậy mà chúng ta không bảo tồn, mà chỉ lo đến những giá trị văn hóa hạng hai, hạng ba…

       Hồi tôi còn làm trưởng bộ môn Giải phẫu, Đại học Y khoa Huế, nơi đó có những con người tự nguyện hiến dâng thân xác mình cho sinh viên học tập. Sau khi sinh viên phẫu tích xác xong, chúng tôi làm đám tang đưa lên chôn cất đàng hoàng ở trên núi để cho họ được ấm lòng nơi chín suối. Cứ vào dịp cuối năm chúng tôi cũng đi chạp mộ và dâng lễ Macchabee để tưởng nhớ những người hiến dâng thân xác mình cho ngành giáo dục y khoa. Mỗi lần chủ lễ, dâng hương trong những buổi lễ trang trọng đó, nhìn những thân xác bị banh thây, xẻ thịt cho biết bao mái đầu xanh học tập, mái đầu bạc nghiên cứu, tôi thầm cám ơn và tri ân họ, một sự hy sinh cao cả nhưng thầm lặng, không tượng đồng, không bia đá, mà tôi tự nhủ với lòng mình là phải làm người tử tế khi mang trong người hai sứ mệnh vừa là Thầy thuốc vừa là Thầy giáo và cũng thầm nhắn nhủ các thế hệ học trò luôn luôn trau dồi, học hỏi để xứng danh câu châm ngôn “Ngày nay học tập, ngày mai giúp giúp đời”. Mặc dầu đã nghỉ hưu, nhưng cứ mỗi độ xuân về, tết đến chúng tôi lại trở về trường, về với lễ hội Macchabee để tri ân những người đã nằm xuống cho sự nghiệp y học của chúng tôi hôm nay.

       Từ lễ Macchabee của trường y khoa, tôi lại nghĩ đến lăng mộ của các quan lại thời Chúa Nguyễn. Ông cha mình là ai? Các ngài có thể là quan văn, quan võ, quan thái y… Các ngài đã vào sinh ra tử, đã góp phần mở mang bờ cõi cho non sông gấm vóc ngày hôm nay, các ngài đã chăm lo sức khỏe cho vua quan triều đình, cho cả nhân dân…

       Vậy thì thế hệ chúng ta hôm nay sao lại để những ngôi mộ của tiền nhân âm thầm lặng lẽ nơi thâm sâu cùng cốc, nơi đồng không mông quạnh. Ai là người chịu trách nhiệm để tôn tạo, chạp giỗ, hương khói phụng thờ những ngôi mộ cổ, những di tích lịch sử này khỏi bị mai một: chính quyền, thông tin văn hóa, bảo tồn bảo tàng, y tế, chính quyền địa phương, họ tộc…? Chúng ta phải làm điều đó không chỉ cho tiền nhân, cho chúng ta hôm nay mà còn cho con cháu muôn đời sau. Đó là sự nghiệp bảo tồn văn hóa của cả một dân tộc.

       Tại sao không làm gì nhỉ?

       Tôi chỉ là người ngoại đạo, đi theo nhóm nghiên cứu khảo cổ của Phân Viện Văn Hóa Miền Trung khi lên rừng, lúc xuống biển, khi len lỏi vào các làng mạc xa xôi để học hỏi một phần rất nhỏ về văn hóa của ông cha mình. Tuy nhiên để hiểu sâu vào khía cạnh nầy xin mời các bạn đón đọc cuốn sách “Mỹ thuật thời các Chúa Nguyễn” do Nguyễn Hữu Thông và nhóm tác giả sắp xuất bản nay mai.


Mùa thu năm Giáp Ngọ (2014)
       Thử tưởng tượng nếu lịch sử đất nước mình mà không xảy ra tình trạng triều đại thắng cuộc hủy diệt triều đại thua cuộc, thì bây giờ đất Thuận Hóa còn biết bao di tích lịch sử của thời Chúa Nguyễn và thời Tây Sơn. Nhưng than ôi tất cả hầu như tan theo mây khói. Mặc dầu bị phá hủy gần như toàn bộ, nhưng ở những nơi thâm sâu cùng cốc hay nơi miền quê hẻo lánh đây đó vẫn còn rải rác những ngôi mộ cổ của các quan lại thời Chúa Nguyễn và những lăng mộ cổ nầy hầu như hoang phế không ai bảo tồn, chạp giỗ, hương khói phụng thờ.

       Trong hai ngày 21-22/8/2014, tôi có may mắn cùng đi với nhóm khảo cổ của Phân Viện Văn Hóa Miền Trung để nghiên cứu đánh giá lại về phương diện văn hóa các lăng mộ cổ thời Chúa Nguyễn.